Vietdate.org-Hen ho, tim nguoi yeu an toan va nghiem tuc

Cuối cùng chúng ta cũng không quên lời hứa (phần cuối)

Bữa cơm trưa được dọn ra, món ăn chủ yếu là cá ngược dòng do Hớn bắt được. Cứ mỗi mùa nước lũ, Hớn lại theo lũ bạn chạy thuyền xuôi ngược, vừa bắt được cá, lại vừa thoả thích đùa nghịch. Hớn nhìn không rời mắt vào món cá chép kho với măng tre, do chính tay nó thu hoạch. Hớn nhìn để chờ đợi một lời khen nào đấy sẽ dành cho nó.

“Giỏi quá… bắt được cá to hơn ba con bắt hồi nhỏ đấy.” Phong xoa đầu thằng nhỏ mà khen, ở đâu đó hình ảnh của Hớn, cậu ta thấy giống người bạn của mình thuở nhỏ.

“Vậy mà ba con cứ chê con hoài, cứ đem chuyện ngày xưa ra kể. Ba con bắt được những con cá lớn như vầy nè.” Hớn cười đắc chí, hai bàn tay ra hiệu biểu cảm lại con cá mà ba nó hay kể ngày xưa bắt được.

Suốt bữa cơm, Hớn bị cho ra rìa, không ai nói chuyện với nó. Khiến nó không hiểu được, tại sao người lớn lại có nhiều chuyện để nói với nhau. Ba nó và bác Phong vẫn chuyện trò không ngớt, ngay cả khi đã ăn xong. Hớn chỉ biết ngồi nghe và nó lờ mờ nhận ra một vài địa điểm tên cánh đồng trong câu chuyện, nhưng giờ đã biến thành nhà máy, chỗ thì trở thành đất ở, nên Hớn cũng không hứng thú lắm để dõi theo cộc nói chuyện.

Người lớn thường thở dài, những tiếng thở dài não nề mà khuôn mặt chẳng hề biến sắc. Đó có lẽ là nét đặc biệt để phân biệt giữa người lớn và trẻ nhỏ. Hớn đếm được bảy lần ba nó thở dài, còn bác Phong thì nhiều hơn thế, mười một lần. Có thể bác Phong là người lớn hơn ba nó, nên bác thở dài nhiều hơn.

“Sao mày không dẫn vợ con về đây?”, tiếng ba Hớn cất lên sau khi nhấp ngụm trà.

“Tao vừa ly dị rồi.”

“Tại sao?…”, hai chữ cất lên dài một cách khó hiểu.

Im lặng.

“Đến khi về già, không còn ai nói chuyện nữa mới đáng sợ. Còn cãi nhau được là còn chung sống được với nhau, bởi vì còn có thể trao đổi, chia sẻ… Như ông bà Sáu kìa, cả ngày im lặng, ai cũng nghĩ gia đình êm ấm. Rồi bất chợt khi hai ông bà gần bảy mươi tuổi, họ lôi nhau ra toà ly dị. Khi ấy, người ta mới ta mới thấy sự đáng sợ của việc im lặng. Mày còn nhớ những lời của Lam chứ?”.

Bác Phong nói trầm ngâm với đôi mắt nhìn vô định, sau lần thở dài thứ mười hai.

“Mày vẫn còn nhớ?”

“Chẳng lẽ tao quên được sao!”

Ba Hớn thở dài lần thứ tám, lần này tiếng thở dài hơn tất cả bảy lần trước. Rồi sau tiếng thở dài hồi lâu, ba nó mới nói tiếp.

“Mày đã khi nào đi tìm Lam chưa?”

“Từ ngày gia đình Lam chuyển đi, tao không còn biết tin tức nào cả.”

Hớn thấy ba lặng thinh, bước vào phòng ngủ và trở ra với tập giấy cũ trên tay. Tập giấy này Hớn biết, có một vài lần nó đã đọc, đã viết gần như y nguyên để gửi nhỏ Yến cùng lớp. Kết quả là sau lần ấy, Yến đã mách cô giáo, khiến Hớn chẳng thể nào quên được.

“Tao vẫn còn giữ những bức thư của Lam”.

Hoá ra bấy lâu Hớn đã nhầm, những bức thư ấy không phải của ba. Hớn cứ nghĩ ba lấy biệt danh là Phong như mấy game mà nó hay chơi. Giờ thì nó đã biết chủ nhân của những bức thư ấy là ai và đang đưa mắt nhìn một lượt. Bất giác Hớn nghĩ, người viết văn hay thường rất phong trần và nhìn kỹ, bác Phong cũng có nét giống.

Cả căn nhà im lặng một cách đáng sợ. Bác Phong đang đọc bức thư một cách trầm lặng, khoé mắt của bác hình như đã ướt, có thể bác đang khóc. Nhưng những người khóc phải có nước mắt giàn giụa và nức nở từng tiếng, nhìn bác thì không giống lắm. Còn ba Hớn đang nhìn trầm ngâm theo từng tiếng mưa, vẫn đôi mắt lo lắng, nhưng pha chút gì đó của vẻ mặt hối hận.

Hớn thấy má cứ bồn chồn, như muốn nói ra điều gì đấy. Nhưng sau nhiều lần ngập ngừng, má cũng im lặng. Hớn chẳng hiểu sao người lớn vừa nói cười vui vẻ với nhau và chẳng có lý do gì để giận hờn mà im lặng. Không giống như lũ trẻ con, giận là phải cãi nhau, đánh nhau cho đã.

“Tao xin lỗi”. Cuối cùng ba Hớn cũng lên tiếng.

Im lặng.

“Tao đã từng yêu cô ấy… và tao đã ích kỷ không đưa những bức thư của Lam cho mày”.

Ba Hớn đứng dậy, bước ra ngoài hiên để đáp lại sự ngạc nhiên thể hiện rõ ràng trên khuôn mặt của bác Phong, cũng là để tránh sự giận dữ đang hiện diện của má.

“Người có lỗi là tao…tao đã không một lần tin cô ấy…và đã không đi tìm.”

Mưa ngoài trời đáp xối xả vào khuôn mặt của hai người đàn ông. Giờ thì Hớn cũng chẳng thể biết được họ có khóc hay là nước mưa khiến khuôn mặt họ ướt đẫm. Nhìn cảnh tượng này, đến lượt Hớn chẳng biết nói gì, chỉ biết im lặng lắng nghe từng tiếng nấc.

Từng tiếng nấc hoà quện với tiếng mưa chìm vào sự tĩnh mịch của đêm.

Hôm sau có gia đình lạ tìm tới nhà Hớn. Ông bà ấy với khuôn mặt buồn, ủ rũ mang theo một hũ sành to. Hớn cũng nghe lỏm được câu chuyện mà ông bà ấy kể với ba và bác Phong.

Đã có ai đó chết do tai nạn và cô ấy tên Lam, giống tên của người phụ nữ trong bức thư. Trước khi tắt thở, cô ấy đã nói mong ước được đem tro cốt rải khắp khúc sông vào mùa nước lũ. Hớn đoán cô ấy là người đã viết bức thư gửi bác Phong, bởi vì thấy bác Phong khóc dữ lắm, từng tiếng nấc hiện lên một cách rõ ràng. Ba Hớn thì trầm ngâm, đôi tay run run cầm chén trà hàng giờ.

Buổi chiều ấy, Hớn nhớ như in trên chiếc thuyền xuôi dòng trên sông. Có ba thế hệ với khuôn mặt buồn rầu, xuôi thuyền thả từng nắm tro trong hũ sành khắp dòng sông.

Khi tro trong hũ sành đã hết, bác Phong đốt hai bức thư mà ba Hớn đã giữ bấy lâu. Từng mảnh tro tàn của thời gian cứ thế phảng phất đâu đây. Những cơn gió cũng như hoà quện theo từng nhịp sóng phía dưới sông. Tất cả đều lặng thinh, nghĩ suy về một nơi nào đó xa xăm, xuyên không gian và thời gian.

“Cuối cùng chúng ta cũng không quên lời hứa.” Bác Phong hét to khi thả nắm tro cuối cùng.

“Và mùa vẫn đợi người”.

Cuối cùng chúng ta cũng không quên lời hứa (phần 1)

Chúng ta sẽ gặp lại nhau chứ
Blog
Tìm người yêu trong 6 tháng
Gửi kẻ thứ ba
11 câu hỏi trước khi kết hôn

Medium Story

Please follow and like us:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Chuyển lên trên